fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeHướng nghiệpCông nghệ thông tin7 Điểm khác biệt giữa đi học và đi làm của sinh...

7 Điểm khác biệt giữa đi học và đi làm của sinh viên CNTT

Trong trường Đại Học, chúng ta thường được dạy những kiến thức cơ bản về lập trình, về qui trình làm ra phần mềm. Tuy nhiên, môi trường lập trình chuyên nghiệp có những điều rất khác so với  môi trường học tập.

Do đó, khi vừa ra trường và bắt đầu đi làm, các bạn sinh viên thường cảm thấy “sốc” hoặc “bối rối” vì những khác biệt này.

1. Đi học, code xong rồi thôi. Đi làm, code xong rồi … sửa

Ở đại học, khi được giao bài tập, bạn chỉ việc code cho xong là thôi, nộp bài là có điểm, không cần chỉnh sửa gì nữa.

Đi làm thì khác, bạn phải code theo yêu cầu từ phía khách hàng. Mà thông thường khách hàng là những người cực kì khó chìu, họ liên tục thay đổi yêu cầu hoặc đưa ra yêu cầu mới.

Do đó, sau khi code xong một chức năng, bạn phải sửa tới sửa lui, sửa trên sửa dưới mới đúng với yêu cầu khách hàng. Lúc này không có khái niệm xong, mà chỉ có “tạm xong”, vì ai biết 1,2 tháng sau khách hàng có đổi yêu cầu nữa hay không!

2. Đi học, code sao cho chạy được. Đi làm, code sao cho… không bị chửi

Lúc đi học, chúng ta chỉ cần viết code sao cho chạy được, chạy đúng là ok.

Khi đi làm thì khác hẳn, như đã nói phía trên, chúng ta phải liên tục fix bug, chỉnh sửa và cải tiến code, lúc này thời gian đọc và sửa code sẽ nhiều hơn cả thời gian code. Nếu viết code ngu, lòng vòng, khó sửa bạn sẽ dễ bị ăn gạch đá từ đồng nghiệp (vì họ phải bảo trì code của bạn).

3. Đi học, không cóp code. Đi làm, cóp thoải mái

Lúc đi học, copy code của bạn bè hoặc code từ trên mạng xuống thì dĩ nhiên là bạn sẽ ăn quả trứng ngỗng to tổ tướng.

Lúc đi làm thì không như thế. Thời gian và tài nguyên có hạn. Nếu một vấn đề đã được giải quyết rồi thì không lý do gì ta phải cắm đầu vào giải quyết lại cả. Đồng nghiệp đã code rồi, thư viện đã có rồi, cứ dùng hàm của người ta, khách hàng không quan tâm đến code bạn viết đâu.

Tất nhiên copy code cũng phải có tâm, đọc cẩn thận, sửa lỗi và chỉnh cho phù hợp nhé. Đợt trước Toyota có phốt về anh engineer copy code từ stackoverflow về mà không sửa, còn hiển thị stackoverflow cho người dùng thấy luôn.

4. Đi học, dùng cơ bản. Đi làm, dùng framework

Trong quá trình học, giáo viên thường sẽ hạn chế hoặc cấm bạn dùng những framework, thư viện có sẵn mà muốn bạn code từ đầu. Khi tự code, bạn sẽ hiểu rõ bản chất vấn đề hơn, học được nhiều hơn.

Khi đi làm lại khác, việc sử dụng framework sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian công sức, cũng như tránh được các lỗ hỗng bảo mật thường gặp. Phần lớn các dự án trong công ty đều sử dụng framework để xây dựng chứ rất ít khi code toàn bộ từ đầu cả.

5. Đi học, chỉ có 1 câu trả lời đúng. Đi làm, câu trả lời nào cũng đúng

Lúc đi học, do thói quen thi cử làm bài tập, chúng ta hay suy nghĩ rằng bất cứ câu hỏi nào cũng chỉ có một câu trả lời đúng. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc, đôi khi chúng ta … không có câu trả lời đúng, hoặc quá nhiều câu trả lời đúng.

Lúc này, câu trả lời không quan trọng bằng cách trả lời. Đưa ra câu trả lời đúng không chưa đủ, bạn phải giải trình cho cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng lý do mà bạn chọn câu trả lời đó.

6. Đi học, code chi cũng được. Đi làm, họp hành tùm lum cho đúng quy trình

Trong trường, khi được giao bài tập hay làm việc nhóm, các bạn muốn code kiểu gì cũng được, miễn làm xong và ra sản phẩm là ok.

Trong môi trường làm việc, để công việc hoạt động trôi chảy, dễ quản lý, mọi công việc của bạn phải theo đúng quy trình. Đi kèm với các quy trình này là viết document, viết báo cáo, điền timesheet, họp hành liên miên. Những công việc “theo quy trình” này thường rất chán nản và mệt mỏi.

7. Đi học, học xong là hết. Đi làm, học xong là … lết

Nhiều bạn sinh viên thường than thở với mình là chương trình học nặng, bài tập nhiều. Tuy vậy, làm sinh viên có cái sướng là học xong thi xong rồi thôi, không cần phải suy nghĩ nữa cho nặng đầu.

Cuộc sống khi ra trường đi làm không dễ dàng như thế. Kiến thức của bạn rất nhanh lỗi thời và hết hạn. Là một lập trình viên, chúng ta phải trau dồi kiến thức của bản thân hằng ngày, theo dõi xu thế công nghệ (đọc medium), tự làm quen với các ngôn ngữ/công nghệ mới.

Khi đi làm, không có khái niệm “học xong” mà chỉ có “học, học nữa, học mãi”, dừng học là chết đấy.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular