fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn Văn5 bước quan trọng để đạt điểm tối đa phần nghị luận...

5 bước quan trọng để đạt điểm tối đa phần nghị luận văn học trong đề Văn thi THPT

Nhiều giáo viên và các bạn học sinh có quan niệm rằng, nghị luận văn học rất khó để đạt điểm tối đa nhưng phấn đấu để có một bài văn hoàn thiện là một điều nên làm và luôn luôn phải phấn đấu. Đề bài phần nghị luận văn học năm 2018 có nhiều sự phân hóa. Vì vậy, muốn đạt điểm cao cần dành nhiều thời gian khoảng 90/120 phút để làm phần này.

Cụ thể đề bài không chỉ dừng lại ở một vấn đề cần nghị luận, có thể yêu cầu nghị luận từ hai tác phẩm trở lên, đồng thời còn yêu cầu giải thích và bình luận một vấn đề của lí luận văn học hay văn học sử nữa. Đề bài cũng không chỉ dừng lại ở thao tác lập luận phân tích mà còn đòi hỏi các em thành thạo kỹ năng ở các thao tác khác như so sánh, bình luận…

Các dạng đề vì thế cũng rất đa dạng, học sinh có thể luyện nhiều một dạng đề, đến khi thi có thể gặp dạng đề, cách đặt câu hỏi khác sẽ bỡ ngỡ và không làm được.

Dưới đây là 5 bước đơn giản có thể ghi nhớ trên đầu ngón tay để có thể giải mã được tất cả các dạng đề và hoàn thiện bài văn hoàn hảo:

1. Tìm hiểu đề

Phân tích đề là công việc xem xét cặn kẽ đề bài để nhận thức chính xác vấn đề nghị luận được giao. Nói cách khác mục đích của việc phân tích đề là tìm hiểu chính xác các yêu cầu cơ bản của đề bài (vấn đề cần nghị luận, yêu cầu về nội dung, yêu cầu về phương pháp).

Nhiệm vụ của phân tích đề là phải xác định cho được các yêu cầu sau đây:

+ Dạng đề nghị luận?

+ Vấn đề cần nghị luận là gì? Có bao nhiêu ý cần triển khai? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?

Cách làm: Đọc kĩ đề, chú ý từng từ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ ngữ, nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn của câu, đoạn. Chia vế, ngăn đoạn, tìm hiểu mối tương quan giữa các vế: Song song, chính phụ, nhân quả, tăng tiến, đối lập… Hệ thống những điều đó trong một sơ đồ trên giấy nháp.

2. Xác định thao tác lập luận

Khi tạo lập văn bản nghị luận, một trong những đặc trưng quan trọng nhất là tổ chức lập luận. Lập luận là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị cho bài văn nghị luận. Bởi thế, chương trình Ngữ văn 11 có trình bày các thao tác lập luận như: Lập luận so sánh, lập luận phân tích, lập luận bình luận, lập luận bác bỏ… Đối với đề thi cơ bản chỉ yêu cầu sử dụng thao tác phân tích, đề thi THPT thường yêu cầu cao hơn đòi hỏi học sinh kết hợp các thao tác lập luận. Cụ thể:

a. Giải thích

Giải thích là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý của mình.

Học sinh làm rõ ý của các từ ngữ, khái niệm, từ nghĩa tường minh để suy ra nghĩa hàm ẩn và khát quát ý nghĩa, thông điệp của câu nói.

b. Phân tích – chứng minh

Yêu cầu phân tích: Phải nắm vững đặc điểm cấu trúc của đối tượng để chia tách một cách hợp lí. Sau khi phân tích tìm hiểu từng bộ phận, chi tiết phải tổng hợp khái quát lại để nhận thức đối tượng đầy đủ, sâu sắc và trình bày ngắn gọn.

Chứng minh là đưa ra những cứ liệu – dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề. Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn.

c. Bình luận

Muốn đánh giá vấn đề một cách thuyết phục thì phải có lập trường đúng đắn và nhất thiết phải có tiêu chí. Trong nghị luận xã hội, thì dựa vào lập trường nhân dân và tiêu chí đạo lí… luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực.

Trong nghị luận văn học, thì dựa vào lập trường nhân dân, quyền con người và tiêu chí là tính khách quan của đời sống, sự tiến bộ của văn học, đối với tác phẩm cụ thể thi tiêu chí là giá trị nhận thức, giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ.

d. So sánh

Hai sự vật cùng loại có nhiều điểm giống nhau thì gọi là so sánh tương đồng, có nhiều điểm đối chọi nhau thì gọi là so sánh tương phản. Tác dụng của so sánh là nhằm nhận thức nhanh chóng đặc điểm nổi bật của đối tượng và cùng lúc hiểu biết được hai hay nhiều đối tượng.

3. Lập dàn ý

Xác định các luận điểm (ý lớn): Đề bài có nhiều ý thì ứng với mỗi ý là một luận điểm. Đề bài có một ý, thì ý nhỏ hơn cụ thể hoá ý đó được xem là những luận điểm. Nội dung kiến thức này ở trong bài học, tư liệu hoặc tri thức có sẵn.

Tìm luận cứ (ý nhỏ) cho các luận điểm: Mỗi luận điểm cần cụ thể hoá thành nhiều ý nhỏ hơn gọi là luận cứ. Số lượng ý nhỏ và cách triển khai tuỳ thuộc vào ý lớn. Ý nhỏ có khi được gợi từ đề bài nhưng phần lớn là từ kiến thức của bản thân.

Lập dàn ý ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu luận đề.

+ Thân bài: Triển khai nội dung theo hệ thống các ý lớn, ý nhỏ đã tìm.

+ Kết bài: Tổng kết nội dung trình bày, liên hệ mở rộng, nâng cao vấn đề.

4. Viết đoạn văn

Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành.

Cấu trúc của một đoạn văn phải đảm bảo các yếu tố như:

Từ ngữ chủ đề: Các từ ngữ được dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ được lặp lại nhiều lần nhằm duy trì đối tượng được biểu đạt.

Câu chủ đề: Mang nội dung khái quát, lời lẽ ngắn gọn, thường đủ hai thành phần chính và đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

Các câu trong đoạn văn: Có nhiệm vụ triển khai và làm rõ chủ đề của đoạn.

Tính liên kết trong đoạn văn: Nhằm mục đích tạo sự liền mạch một cách hợp lí, tạo tính chỉnh thể cho văn bản: phép lặp, phép thế, đối lập…

5. Sửa lỗi diễn đạt

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều văn bản nghị luận được xem là tác phẩm văn chương. Chính vì các tác phẩm đó đã nghị luận bằng hình ảnh, văn nghị luận có hình ảnh, có kĩ thuật diễn đạt cao. Ở đó không phải chỉ có lí lẽ, lập luận sắc sảo mà còn có hình ảnh sinh động, cuốn hút trí tuệ và trái tim người đọc, khơi gợi nhiều cảm xúc cho người đọc.

Kĩ năng diễn đạt trong bài làm văn nghị luận chính là kĩ năng sử dụng hệ thống từ ngữ và khả năng kết hợp các phương tiện diễn đạt khác như: Sử dụng các kiểu câu, dùng dấu câu, giọng điệu và các thao tác lập luận… vừa để làm sáng tỏ nội dung vừa gây được ấn tượng và thuyết phục đối với người đọc.

Cụ thể hãy nắm vững cách luyện tập sau :

a. Sử dụng linh hoạt hệ thống từ nhân xưng

Học sinh cần chú ý cách sử dụng trong cách trường hợp sau:

Sử dụng đại từ nhân xưng tôi trong các trường hợp: Người viết muốn diễn đạt ấn tượng chủ quan của riêng mình về một vấn đề nào đó.

Nhưng trong trường hợp muốn lôi kéo sự đồng tình ủng hộ của người đọc, người nghe về vấn đề đang được bàn luận thì có thể sử dụng các cụm từ như: Chúng tôi; ta; chúng ta; như mọi người đều biết; ai cũng thừa nhận… Lưu ý các đại từ nhân xưng thường được sử dụng có hiệu quả diễn đạt làm tăng sức thuyết phục trong đoạn văn bình luận.

b. Cách dùng các tiểu từ và những từ phủ định

Sử dụng các hệ thống tiểu từ để tạo ấn tượng như người viết đang tranh luận trực tiếp với người đọc: vâng, đúng thế, điều ấy đã rõ

Dùng các từ phủ định nhằm khẳng định sâu sắc hơn một vấn đề nào đó như: không; hoàn toàn không…

c. Thay đổi các thao tác tư duy trong diễn đạt

Không nên dùng một thao tác, khi thì dùng cách diễn dịch, khi thì quy nạp, khi thì phân tích, lúc thì bình luận hay so sánh… Ngoài ra còn dùng các dấu câu như dâu chấm than, dấu chấm hỏi hoặc dâu ba chấm để cho đoạn văn luôn có sự linh hoạt.

d. Rèn luyện cách lựa chọn từ ngữ và dùng từ

Phải lựa chọn được các từ ngữ mang ý nghĩa cần diễn đạt để chỉ ra được bản chất của sự vật, hiện tượng.

e. Luyện viết đoạn văn có hình ảnh

Bài văn nghị luận hay là bài văn vừa có sức thuyết phục bằng lí lẽ, vừa giàu hình ảnh. Hình ảnh vừa làm tăng sức thuyết phục vừa làm cho chân lí sáng tỏ, vừa thấm thía đối với người đọc.

Cuối cùng ngoài việc có kỹ năng làm bài tốt, các em cần sắp xếp thời gian và dung lượng hợp lý cho các phần. Ví dụ phân chia các thao tác lập luận theo đáp án có thể là: Giải thích 1/5; phân tích 2/5; so sánh 1/5; bình luận 1/5. Nếu đề bài yêu cầu so sánh giữa hai tác phẩm thì dung lượng phân chia cho hai tác phẩm là 50/50. Còn nếu đề bài chỉ yêu cầu từ một tác phẩm liên hệ tới một tác phẩm khác thì phân chia cho hai tác phẩm nên là 80/20.

Tuy nhiên, học sinh vẫn có xu hướng muốn viết hết ý. Do đó, cần thiết phải phân tích hết vấn đề, làm rõ đặc trưng, quan điểm nghệ thuật, có thể liên hệ mở rộng bên ngoài là một lợi thế. Ý hỏi cuối cùng thường có tính chất phân hóa, đáp án chỉ dành 0.5 đến 1 điểm cho ý này nhưng không có nghĩa học sinh chỉ cần viết một đoạn ngắn mà nên khai thác sâu vấn đề ở phần này thì bài làm sẽ có giá trị. Muốn vậy, các ems phải có kiến thức nền tảng về văn học sử, lí luận văn học sâu sắc.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular