fbpx
Thursday, March 28, 2024
HomeHọc đườngViết cho những tân sinh viên

Viết cho những tân sinh viên

Đời sinh viên nó đẹp, nó “màu hồng” , nhưng cũng lắm chông gai, hãy chuẩn bị trước tâm lí cho những chuyện không vui, những khó khăn mà bạn chưa từng nghĩ tới khi phải sống xa nhà.

Như vậy là kì thi THPT Quốc Gia đã đi đến những chặng đường cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ và tất nhiên là mỗi người cũng đã tìm được cho mình một hướng đi riêng. Có người đỗ vào những trường ĐH mà mình hằng ao ước, cũng có những bạn còn hơi nuối tiếc vì chỉ đỗ vào trường nguyện vọng 2 và cũng có người ngậm ngùi chọn cho mình một hướng đi khác, tất cả đều phải chọn cho mình một con đường để bước tiếp.

Với những tân sinh viên, chắc chắn đó là niềm mơ ước của bạn, niền tự hào của gia đình và cũng là khởi đầu cho những hoài bão, nhưng giảng đường ĐH có “đẹp” như những gì bạn từng nghĩ. Cuộc sống sinh viên có phải là một “màu hồng” như tưởng tượng của bạn. Nó đẹp, nó “màu hồng” , nhưng cũng lắm chông gai, hãy chuẩn bị trước tâm lí cho những chuyện không vui, những khó khăn mà bạn chưa từng nghĩ tới khi phải sống xa nhà.

Giảng đường Đại học – Cơ hội và thách thức

Đó là một chân trời mới, một cuộc sống mới và những khó khăn mới, sinh viên khác hoàn toàn so với học sinh và tất nhiên là bạn buộc phải thích nghi với điều đó. Sẽ chẳng có gì là suôn sẻ nếu như tất cả chỉ mới vừa bắt đầu, bạn tập làm quen nó nhưng thực ra nó không thú vị như bạn nghĩ, một cách học hoàn toàn mới, tự chủ và tự quyết. Nói thế có nghĩa là bạn phải tự học , giảng viên chỉ là người hướng dẫn bạn học và giới thiệu tài liệu để hỗ trợ cho nội dung học phần mà thôi. Lớp học cũng không “gắn” với nhau cho lắm, mỗi người sẽ chọn cho mình những học phần riêng và tất nhiên là sẽ có lịch học hoàn toàn khác nhau. Chương trình cũng “nặng như núi” chứ đâu phải như các anh chị vẫn thường nói “đại học là học đại đâu?”

Trong khi bạn đang rất phấn khởi vì mình vừa đỗ đại học, vui mừng khi được gọi với cái tên “tân sinh viên” đầy kiêu hãnh thì… mọi thứ chẳng như bạn nghĩ tí nào. Gạt tất cả sự kiêu hãnh đó qua một bên, lại vùi đầu vào học và hàng tá khó khăn mà lần đầu tiên trong đời bạn gặp phải. Thật chẳng dễ dàng tí nào.

Nỗi nhớ nhà và… bạn bè cấp 3

Lúc còn ở nhà, sao mà mong muốn được “bay nhảy” đến lạ, khát khao đến một miền đất mới nơi bạn nghĩ rằng sẽ có một cuộc sống riêng, nhưng chỉ được mấy tuần đầu, sau đó là những tháng ngày nhớ nhà da diết. Càng gặp khó khăn, lại càng cảm thấy mình lạc lõng giữa chốn đông người và tất nhiên… gia đình là nơi ấm áp và an toàn nhất. Sao mà không nhớ cho được?

Ngày chia tay bạn bè cấp 3, ai mà chẳng luyến tiếc, ai chẳng nghẹn ngào cho một thời áo trắng đầy niềm vui như thế. Những tưởng sẽ có những người bạn mới, từng nghĩ rằng sẽ có những tri kỉ đợi bạn ở phía trước. Nhưng khó khăn và xa lạ đôi khi làm lu mờ tất cả, tôi chợt nhớ đến một câu trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao “một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu”. Khi bạn bè của mình cũng có hàng tá khó khăn chẳng biết làm sao để giải quyết, mình cũng chẳng thể trách người ta sao lại “thờ ơ” với mình. Nhưng trong khó khăn ấy lại tìm ra những “tri kỉ” , những người bạn giúp ta trong gian khó sẽ là những người bạn mới tuyệt vời. Một giảng đường đại học có khi lên đến hàng trăm người, chắc chắn bạn sẽ tìm được cho mình một vài người “tri kỉ”.

Những tháng ngày “cúp học” và chán nản

Càng chán nản bao nhiêu, bạn sẽ càng buông thả bấy nhiêu. Trích một đoạn ngắn tôi lượm lặt được từ tâm sự của một chàng sinh viên năm nhất trên mạng xã hội: “Tôi tự cho phép mình được nghỉ học những ngày trời mưa, những ngày trời nắng và có quyền nghỉ học cả những ngày đẹp trời”, sự bỏ bê là thực trạng của rất nhiều tân sinh viên gặp phải và dĩ nhiên là nó không hề tốt một tí nào cả. Càng khó khăn thì phải càng vươn lên, chẳng thể vì thế mà lại buông thả mọi thứ, lối sống ấy sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà bạn chẳng thể lường trước được.

Nợ môn và nỗi lo thất nghiệp

Nghỉ học thì dĩ nhiên là “nợ môn”, nỗi “ám ảnh” không thể quên của những sinh viên năm nhất. Tự cho phép mình nghỉ, chẳng chịu học hành và hậu quả là “nợ môn” hàng loạt, để rồi cứ thế mà “trả nợ”, nhiều khi còn phải ra trường muộn hơn những người khác vì chưa đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhưng cũng chẳng thể bằng việc bạn luôn phải sống trong sợ hãi khi hai chữ “thất nghiệp” luôn lơ lửng trên đầu, tuy nhiên, nó chỉ dành cho những ai lười nhác và bi quan. Nỗi lo thất nghiệp chính là nguyên nhân để cho những kẻ “lười nhác” ngụy biện về việc “tự cho phép nghỉ học” của mình. Và tôi khuyên bạn nên thay bi quan bằng sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, thành công sẽ tới với những ai biết vươn lên.

Cuối cùng là tiền cũng “không cánh mà bay”

Có lẽ chưa bao giờ trong cuộc đời bạn cảm thấy đồng tiền lại giá trị đến thế. Khi bạn nắm tài chính trong tay và buộc phải tự chủ về nó, thật chẳng dễ dàng chút nào cả, chi tiêu kiểu gì rồi cuối tháng vẫn thiếu và tất nhiên là chẳng làm được gì khi trong người “không một xu dính túi”. Dù đã rất tiết kiệm, đã cố phân chia sao cho hợp lí nhưng chỉ cần một cú “vung tay quá trán” là y như rằng tháng đó thiếu hụt ngay. Tất nhiên là dần rồi bạn cũng sẽ quen và chi tiêu khoa học hơn, nhưng để làm quen được cũng chẳng mấy dễ dàng gì.

Cuộc sống không toàn màu hồng như các bạn nghĩ đâu, cũng chẳng phải sinh viên là một sự tự do và “rũ bỏ” những gánh nặng của 12 năm đèn sách. Cuộc sống mới luôn rất khó khăn, hãy tập làm quen và chuẩn bị tâm lí với điều đó. Đừng để mình bị động… hãy nỗ lực vươn lên để thấy được thành quả của chính bản thân mình.

Theo Kenh14

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular