fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănViết bài làm văn số 5 - Đề 3 - Bài 1

Viết bài làm văn số 5 – Đề 3 – Bài 1

Đề 3: Anh (chị) hãy bày tỏ quan niệm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

Bài làm 1

Từ trước tới nay, trên thế giới có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn về cách đánh giá giá trị của một tác phẩm văn chương. Có người thì đề cao nghệ thuật, có người thì đề cao nội dung. La Bơ-ruy-e, nhà văn Pháp đã bày tỏ quan điểm của mình như sau: Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra.

Xét về mặt ý nghĩa thì quan điểm trên gần giống với quan điểm của nhà văn hiện thực Nga nổi tiếng Mác-xim Gorơ-ki: Văn học là nhân học. La Bơ-ruy-e nhấn mạnh tới chức năng giáo dục của văn học. Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Văn chương có khả năng đặc biệt trong việc phát hiện và diễn tả sự bí ẩn, huyền diệu của con người. Đặc điểm của văn học là thông qua các sự kiện, các hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm để giáo dục cho con người tình cầm trong sáng, đạo lí làm người. Mặt khác, văn học giúp con người hoàn thiện nhân cách, nâng cao tình thần và gợi cho con người những tình cảm cao quý và can đảm.

Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm, cảm xúc. Mục đích trước tiên và quan trọng của văn học là giúp con người đối chiếu, liên tưởng, suy ngẫm về cuộc đời và về chính bản thân, nâng cao niềm tin vào bản thân để từ đó có nhận thức đúng đắn hơn, có khát vọng hướng tới chân lí, dám đấu tranh chống cái xấu, cái ác; biết tìm tòi và hướng tới cái Đẹp, cái Thiện của cuộc sống. Đó chính là văn học chân chính có khả năng cảm hóa, nhân đạo hóa, xứng đáng là bạn tốt của con người.

Nhà văn La Bơ-ruy-e cũng bày tỏ ý kiến về cách đánh giá một tác phẩm văn chương và một nghệ sĩ chân chính. Theo ông, tác phẩm nào có ảnh hưởng lớn lao tới đời sống tinh thần của con người theo chiều hướng tích cực thì đó là một cuốn sách hay, đích thực là văn chương và người viết ra nó xứng đáng được gọi là nghệ sĩ.

Hai nhà văn nổi tiếng của Việt Nam là Thạch Lam và Nam Cao cũng có quan điểm gần giống với La Bơ-ruy-e. Thạch Lam cho rằng: Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại, văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn. Còn Nam Cao đã thông qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa để bày tỏ quan điểm của mình về tác phẩm văn chương, về nhà văn chân chính. Là một nhà văn, Hộ từng ấp ủ một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương của mình. Anh mong ước sẽ sáng tạo ra những tác phẩm thật sự có giả trị, vượt lên tất cà bờ cõi và giới hạn. Quan điểm về văn chương của Hộ cũng hết sức tiến bộ : Một tác phẩm văn chương đích thực phải chứa đựng được một cải gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Nhà văn phải ỉà những người nghệ sĩ vừa có tâm vừa có tài, trong sáng tác phải tạo cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn riêng không thể lẫn với bất cứ ai khác; vì: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có (Nam Cao).

Chúng ta có thể lấy một số tác phẩm kinh điển của các nhà văn nổi tiếng thế giới để chứng minh và khẳng định ý kiến của La Bơ-ruy-e là đúng.

Bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô là bài ca tuyệt vời về tình thương yêu con người, về đức vị tha, hi sinh đến quên mình. Nhân vật Giăng Van-giăng là “nhân vật tư tưởng” tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn. Người thợ làm vườn nghèo khổ này vì thương đàn cháu mồ côi nheo nhóc, đói khát nên đã liều đập vỡ cửa kính tiệm bán bánh mì để lấy cắp một ổ bánh. Bị kết án khổ sai, Giăng Van-giăng mấy lần tìm cách vượt ngục nhưng không thành nên thời gian ngồi tù cứ kéo dài ra mãi. Sau khi được trả tự do, vì hoàn cảnh ngặt nghèo, Giăng Van-giăng lại phạm tội cướp đồng xu của một đứa trẻ và lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc của giám mục Mi-ri-en. Sự độ lượng và lòng bác ái của vị giám mục nhân từ đã cứu Giăng Van-giăng thoát vòng lao lí và nó tác động rất lớn tới tư tưởng, tình cảm của con người tội nghiệp này. Nó đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi cuộc sống và tính cách của Giăng Van-giăng.

Trong tiểu thuyết ông già và biển cả của nhà văn Mĩ Hê-minh-uê, hình ảnh ông lão đánh cá đơn độc dũng cảm săn đuổi con cá lớn nhất đời mình là một biểu tượng về vẻ đẹp của ước mơ và hành trình gian khổ của con người để biến ước mơ thành hiện thực. Tác phẩm này là một bài học thiết thực và bổ ích về khát vọng, ý chí và nghị lực của con người. Nhà văn đặt nhân vật vào một tình huống đặc biệt là chỉ có một mình giữa biển khơi bao la đầy bất trắc ; một mình săn đuổi, đánh bắt con cá kiếm khổng lồ và một mình đương đầu với đàn cá mập hung dữ để bảo vệ thành quả lao động, ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô suốt đời làm lụng vất vả, cực nhọc nhưng không nguôi mơ ước một ngày nào đó sẽ đánh bắt được một con cá thật to để thỏa mãn ước mơ và khẳng định tài năng của mình. Trớ trêu thay, cho tới lúc ông đã quá già thì ước mơ này mới trở thành hiện thực. Suốt mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, ông lão mới phát hiện ra con cá kiếm khổng lồ, to hơn chiếc thuyền của ông. Cuộc chiến đấu gay go giữa người và cá kéo dài tưởng chừng quá sức chịu đựng của ông lão, nhưng ông lão không nản chí, vẫn đem hết sức lực để bắt bằng được con cá mà ông ao ước đã bao lâu. Thế nhưng đàn cá mập tham lam đã tấn công con cá kiếm. Mặc dù ông lão chống đỡ quyết liệt để xua đuổi đàn cá mập hung dữ nhưng đến lúc thuyền cập bến thì con cá kiếm chỉ còn là một bộ xương.

Cốt truyện giản dị chỉ có vậy nhưng Hê-minh-uê đã viết nên một áng văn xuôi giản dị và trung thực về con người. Tuy không có âm hưởng anh hùng ca nhưng câu chuyện về ông lão đánh cá thực sự là bài ca ca ngợi vẻ đẹp khỏe khoắn, kiên cường rất đáng khâm phục của người lao động. Tác phẩm còn chứa đựng một tầng nghĩa sâu xa hơn trong hình tượng con cá kiếm và ông già đánh cá. Vẻ đẹp kiêu hùng của con cá kiếm vùng vẫy tự do trên biển cả tượng trưng cho ước mơ và lí tưởng mà con người suốt đời khao khát và theo đuổi. Ông lão đánh cá với ý chí kiên cường tiêu biểu cho quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực của con người. Tiểu thuyết ông già và biển cả với số trang khiêm tốn chì nhiều hơn một truyện vừa chút ít nhưng thực sự là một sáng tác mà nhà văn nào cũng ao ước viết được lấy một lần (Phôn-cơ-ne), bởi nó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc trên toàn thế giới và đem lại vinh quang cho tên tuổi Hê-minh-uê – một nghệ sĩ vĩ đại của nhân loại.

Ý kiến của La Bơ-ruy-e đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của chức năng giáo dục trong văn chương và nêu lên cách đánh giá đúng đắn về – tài năng người nghệ sĩ. Văn chương đem lại cho con người những giá trị tinh thần cao quý, giúp con người hướng tới Chân, Thiện, Mĩ trong cuộc sống. Những tác phẩm văn học có giá trị nội dung, tư tưởng ; giá trị nghệ thuật cao sẽ vượt qua thử thách khắc nghiệt của dư luận, của thời gian, không gian để trở thành kiệt tác muôn đời của nhân loại. Đúng như La Bơ-ruy-e khẳng định: …đó là một cuốn sách hay và người viết ra nó xứng đáng là một nghệ sĩ đích thực.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular