fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTin tuyển sinhPGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ GDĐT không nên tiếp tục quy định...

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ GDĐT không nên tiếp tục quy định mức điểm sàn

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và lấy ý kiến đóng góp với nhiều thay đổi được áp dụng trong kỳ tuyển sinh 2016. Theo đó, Bộ GDĐT bổ sung một số quy định mới, trong đó quy định về điều chỉnh khu vực ưu tiên, điểm xét tuyển, ngưỡng điểm sàn… vẫn là những vấn đề “nóng” với nhiều ý kiến bàn luận.

Đề xuất quy định điểm ưu tiên tối đa

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, nhiều thí sinh và phụ huynh không khỏi bàng hoàng với cách tính điểm ưu tiên. Đã có nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên lên tới mức “chóng mặt” 6,5 điểm (3,5 điểm ưu tiên khu vực 1 và 2 điểm dân tộc, 3 điểm khuyến khích do đoạt giải quốc gia). Bên cạnh đó, nhiều em có điểm thi tốt lại không xếp thứ hạng cao. Ngô Vương Minh (cựu học sinh chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) là một ví dụ. Minh cho biết với 29,75 khối B và 29,5 khối A em là thủ khoa kép kỳ thi THPT quốc gia nhưng lại không có trong danh sách xếp hạng của Đại học Y Hà Nội bởi vì em không được cộng điểm ưu tiên như một số thí sinh khác. Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia giáo dục tiếp tục băn khoăn và bàn luận khi quy chế tuyển sinh mới chưa đề cập đến việc đưa ra mức điểm tối đa hay có những điều chỉnh về mức cộng ưu tiên này. Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ đề xuất điểm ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ tối đa chỉ ở 3 điểm. PGS Trần Xuân Nhĩ giải thích cộng điểm ưu tiên là chính sách hoàn toàn hợp lý, vì các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn điều kiện học tập sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên, với mức làm tròn điểm 0,25 thì việc cộng điểm ưu tiên có quyết định rất lớn đến việc đỗ hay trượt. Chính vì vậy, điểm ưu tiên cần có giới hạn, nếu không sẽ dẫn đến việc đào tạo kém chất lượng, không công bằng đối với tất cả các thí sinh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Bao – Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc nhận định mặc dù là trường nằm trong vùng thí sinh có nhiều điểm ưu tiên nhưng vị hiệu trưởng vẫn cho rằng muốn có chất lượng thì cũng nên hạn chế điểm ưu tiên. Theo TS Nguyễn Văn Bao, mặc dù, điểm đầu chỉ quyết định một phần nhỏ đến chất lượng đào tạo nhưng nếu điểm ưu tiên cứ theo quy định cũ cũng chưa hợp lý. PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, điểm cộng ưu tiên cho mỗi thí sinh không nên quá 2 điểm.

Bộ không nên quy định mức điểm sàn

Theo dự thảo, năm 2016, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GDĐT. PGS-TS Văn Như Cương tiếp tục đưa ra băn khoăn về quy định mức điểm sàn này. Nhà giáo lão thành cho rằng tất cả những học sinh đã đủ điểm tốt nghiệp THPT thì chứng tỏ đã đủ trình độ để vào học ĐH. Vì thế, Bộ GDĐT cũng nên để mức điểm vào ĐH chính là mức đỗ tốt nghiệp, các trường tùy thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển để đưa ra mức điểm tuyển sinh. “Nếu Bộ GDĐT cho rằng đỗ tốt nghiệp THPT không đủ sức theo học ĐH thì bộ đánh giá kỳ thi đó như thế nào?”, PGS-TS Văn Như Cương đặt câu hỏi.

Còn PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng Bộ GDĐT không nên tiếp tục quy định mức điểm sàn. Bộ GDĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường thì hãy để các trường có phương án riêng của mình, bộ chỉ nên giao chỉ tiêu tuyển sinh mà thôi.

Bên cạnh các vấn đề về điểm ưu tiên và mức điểm sàn, các nhà giáo dục cũng cho rằng Bộ GDĐT cần có thêm những phương án điều chỉnh và dự phòng các tình huống xảy ra. Trong dự thảo, vẫn tiếp tục duy trì hai cụm thi do ĐH và sở GDĐT chủ trì, điều này tiếp tục vẫn “nóng” trên các diễn đàn bình luận.

PGS Văn Như Cương đặt vấn đề khi Bộ GDĐT chủ trương điều chỉnh hình thức nộp nguyện vọng thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành, điều này liệu có giải quyết được tắc nghẽn hay càng khiến thêm căng thẳng. “Nếu xảy ra trường hợp các em chỉ nộp nguyện vọng một trường và xem xét tình hình và đợi đến phút cuối cùng mới đăng ký vào các nguyện vọng còn lại. Rồi sẽ lại nghẽn. Bộ GDĐT cần có thêm những phương án dự phòng, thầy Văn Như Cương chia sẻ.

(Theo Báo Lao động)

Comments

comments

RELATED ARTICLES

14 COMMENTS

Comments are closed.

Most Popular