fbpx
Wednesday, April 24, 2024
HomeTin tuyển sinhĐừng lo trường lớn trường nhỏ, chọn ngành phù hợp là ‘thắng’

Đừng lo trường lớn trường nhỏ, chọn ngành phù hợp là ‘thắng’

Đó là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Trường ĐH Phú Yên sáng 11-3.

Ban tổ chức chuẩn bị 4.500 ghế cho học sinh nhưng nhiều bạn đến muộn đã không còn chỗ để ngồi.

Điều đó cho thấy học sinh, phụ huynh ở Phú Yên rất quan tâm đến chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh – xã hội) chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường ĐH Phú Yên tổ chức, với sự đồng hành của VinGroup.

Chọn đúng sở trường, không lo thất nghiệp

Bạn Võ Thiên Hưng, học sinh Trường THPT Trần Suyền, đặt câu hỏi: “Em muốn học ngành quản trị kinh doanh, nhưng phải chăng ngành này học ở trường lớn thì mới có việc làm, còn học ở tỉnh lẻ thì cơ hội việc làm rất khó?”.

 Trả lời, TS Trần Thế Hoàng – chủ tịch hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – khuyên các bạn trẻ phải chọn trường cho phù hợp. Theo ông, thí sinh không nên băn khoăn nhiều về việc học trường danh tiếng hay trường ở tỉnh, trường công hay trường tư.

“Bạn tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nếu kiến thức, kỹ năng, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh, tin học… đều tốt thì nhà tuyển dụng sẽ chào đón bạn. Kinh nghiệm cho thấy nhà tuyển dụng quan tâm đến năng lực, trình độ, hơn là bằng cấp. Học tập là suốt đời, các bạn đừng dừng lại, cứ học tốt, chọn đúng ngành theo năng lực, đúng trường theo điều kiện của mình và gia đình, bạn sẽ “thắng”!” – chuyên gia đến từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cũng nói: “Bạn yêu thích và thấy mình có năng lực ở ngành nghề nào đó thì hãy chọn, nếu xét thấy trường A danh tiếng nhưng điểm chuẩn cao, học phí cao thì hãy chọn ngành đó ở trường B có điểm chuẩn và học phí thấp hơn chẳng hạn. Đừng chọn ngành với suy nghĩ phải vào bằng được trường danh tiếng trong khi trình độ và điều kiện kinh tế gia đình còn giới hạn” – ông Hùng khuyên.

Quan tâm đến ngành y dược, bạn Lê Phạm Minh Duyên, học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên, hỏi: “Trường ĐH Y dược TP.HCM có yêu cầu về ưu tiên nguyện vọng như trường quân đội hay không? Nếu rớt NV1, đủ điểm để vào NV2 nhưng tiêu chí để vào NV2 đã đủ người thì sao?”.

Trả lời, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết trường không có ưu tiên NV như trường quân đội, rớt NV1 sẽ xuống NV2.

“Tôi khuyên các em, dựa vào sở thích và năng lực của mình để chọn ngành nào phù hợp nhất” – ông Khôi chia sẻ.

Không ít băn khoăn

Bạn Lê Ngọc Quyền, học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên, cho biết bạn muốn đăng ký ngành sĩ quan chính trị, nhưng cả phía Nam chỉ có 119 chỉ tiêu xét theo hồ sơ khối C. “Nếu năm nay em thi không trúng tuyển thì có con đường nào khác để đạt được ước mơ vào ngành này của em không?” – Quyền hỏi.

Trung tá, thạc sĩ Đào Trọng Huân – trưởng ban huấn luyện, phòng đào tạo Học viện Chính trị – đáp rằng nếu trượt NV1 trong quân đội thì thí sinh phải ôn luyện để năm sau thi lại chứ không còn cách nào khác. Còn nếu học các trường ngoài quân đội thì xét tuyển NV2 trở đi như bình thường.

Đặt câu hỏi cho ban tư vấn, bạn Nguyễn Thị Bích Trà, học sinh Trường THPT Chu Văn An, thổ lộ: “Em thật sự đam mê và muốn vào ngành sư phạm, nhưng thực tế là ngành này ra trường kiếm việc rất khó khăn. Em rất hoang mang vì muốn làm cô giáo nhưng có thể phải chuyển hướng học ngành khác…”.

TS Trần Lăng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên – cho biết qua khảo sát tạ Phú Yên năm 2017, số lượng sinh viên ngành sư phạm có việc làm là 73,4.

“Theo dự báo do Sở GD-ĐT Phú Yên cung cấp, nhu cầu việc làm đối với các ngành sư phạm từ nay đến 2022, cần 960 giáo viên dạy trẻ, 850 giáo viên mẫu giáo, 220 giáo viên tiểu học. Như vậy cơ hội ra trường có việc làm đối với SV ngành sư phạm vẫn lớn” – ông Lăng giải thích.

Theo Tuoitre

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular