fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn Tiếng AnhĐề thi tiếng Anh THPT quốc gia: Giữ hay bỏ phần tự...

Đề thi tiếng Anh THPT quốc gia: Giữ hay bỏ phần tự luận?

Một lần nữa các trường ĐH và sở GD-ĐT lại đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ phần tự luận trong đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia sắp tới với những lý do như không có ý nghĩa trong việc phân hóa học sinh, gây khó khăn trong công tác chấm thi.

Trái lại, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này đi ngược với nỗ lực cải tiến tình trạng dạy học ngoại ngữ lạc hậu như hiện nay ở trường phổ thông, gây xáo trộn tâm lý học sinh (HS) và không đảm bảo nguyên tắc học gì thi đó.

Trước những ý kiến trái chiều này, phản ánh những lập luận, phân tích đa chiều giúp Bộ GD-ĐT có thông tin nhằm đưa ra một quyết định phù hợp nhất, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh vừa đúng mục tiêu đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.

“Lại thay đổi nữa thì học sinh sẽ nguy”

Bà An Thùy Linh, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, sau khi nghe có ý kiến đề xuất bỏ phần tự luận trong đề thi ngoại ngữ năm nay và “Bộ sẽ xem xét” thì thốt lên: “Nếu thay đổi nữa thì HS sẽ nguy đấy!”. Theo bà Linh: “Cả quá trình học, HS đã được rèn luyện, ôn tập theo mẫu đề thi của năm 2015 với 80% trắc nghiệm và 20% viết”. Bà Thùy Linh chia sẻ thêm cách ra đề như năm 2015 thì chỉ yêu cầu viết một đoạn văn với những tiêu chí đơn giản để đánh giá cách dùng từ ngữ, khả năng viết câu… của thí sinh chứ chưa phải là viết một bài luận với yêu cầu cao.
Ông Phan Huy Phúc, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cũng bày tỏ sự “ủng hộ cả hai tay” với cơ cấu đề thi có phần thi tự luận, bởi cách thi ấy sẽ là bước đệm để thay đổi thực trạng học tập máy móc như hiện nay.

Nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ ở Hà Nội đều cho rằng khi học trong trường phổ thông, song song với học từ vựng, HS vẫn được học ngữ pháp, viết luận… Vì vậy, về cơ bản vẫn là học gì thi nấy, HS đã được làm quen. Mặc dù, có thể phần viết không phải là câu hỏi quá khó, đánh đố HS nhưng sẽ là căn cứ “đắt giá” để các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp.
Bị điểm liệt không phải do phần tự luận
Về phổ điểm môn ngoại ngữ năm 2015 có quá nhiều điểm thấp, chỉ có 20% thí sinh có điểm cao hơn điểm 5, nhiều thí sinh bị điểm liệt, bà An Thùy Linh phân tích: Phải nhìn lại chất lượng và điều kiện dạy học ngoại ngữ chưa đồng đều ở các địa phương, các nhà trường. Để đến mức HS bị điểm liệt tức là không phải do đề thi có phần tự luận mà là do HS bị hổng kiến thức hoàn toàn. Trong phần trắc nghiệm đã có tới hơn 60% yêu cầu ở mức tối thiểu, HS trung bình cũng dễ dàng làm được. 20% phần viết là để phân loại HS, để tuyển chọn ĐH chứ không ảnh hưởng gì đến kết quả xét tốt nghiệp.
Giáo viên chấm thi tự luận môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại TP.HCM 	- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giáo viên chấm thi tự luận môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Điều cốt yếu là mức độ yêu cầu của đề thi phải phù hợp với thời gian làm bài, không đưa vào đề bài đọc quá dài vì như vậy sẽ chiếm nhiều thời gian làm bài của thí sinh”, bà Linh đề xuất.
Không nên khônglàm vì vất vả, phức tạp
Ông Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, là đồng tác giả cho mẫu đề thi vừa trắc nghiệm vừa viết luận được Bộ GD-ĐT áp dụng trong kỳ thi “3 chung” từ năm 2002, đưa ra 2 góc nhìn.
Theo ông Hạnh, vừa trắc nghiệm vừa có chút tự luận là phù hợp với định hướng đổi mới cách kiểm tra, đánh giá mà Bộ GD-ĐT đặt ra – kiểm tra được kỹ năng của người học càng nhiều càng tốt. Nếu chỉ thi trắc nghiệm thì đơn thuần kiểm tra về mặt kiến thức, nhận biết của HS; khi đã có chút tự luận, ý thức của thầy và trò phải hướng tới việc rèn luyện kỹ năng thực hành. Một cơ cấu đề thi như vậy có lợi hơn cho một xã hội học tập nói chung, học là để sử dụng.
Ở góc nhìn thứ hai, liên quan chủ yếu đến khâu tổ chức thi, tính khách quan của quy trình chấm thi, ông Hạnh cho rằng nếu chỉ thi trắc nghiệm sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Chấm thi nhanh, chính xác bởi 100% là do máy chấm. Thêm khoảng 20% tự luận, dù rất ít nhưng vẫn phải triệu tập tổ chấm thi, điều giáo viên, tốn kém kinh phí… Cho nên nếu chỉ nhìn ở góc độ tổ chức thi, muốn đơn giản hóa thì trắc nghiệm rõ ràng là phương án đơn giản hơn.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Hạnh nêu rõ quan điểm: “Việc áp dụng cơ cấu đề thi ngoại ngữ có 2 phần mới thực hiện và cần có thời gian trải nghiệm tiếp tục thì mới có kết luận chính xác. Năm vừa qua, cả một hệ thống đi kèm như mẫu mã, biểu bảng, quy trình chấm thi đối với môn ngoại ngữ đã được thiết lập, bản thân chúng tôi là nơi thực hiện cũng như dư luận xã hội cũng hầu như không thấy nhiều sự phàn nàn về cách thức này. Nếu bản thân các hội đồng thi, các thí sinh “chịu” được, không quá phiền phức thì không có lý do chính đáng để thay đổi. Vất vả nhất là năm 2015 thì đã qua rồi, kinh nghiệm, cách làm đã có, hệ thống đã “chạy sẵn” rồi nên nếu vì vất vả phức tạp mà không làm năm nay thì không nên”.
Ông Hạnh cho rằng chúng ta nên nhìn vào lợi ích lớn hơn. Khi mà việc thi như vậy tác động tích cực trở lại đối với việc học thì rõ ràng nên lựa chọn sự vất vả, phức tạp hơn một chút ở khâu tổ chức thi để có thể dần dần thay đổi được cách dạy học ngoại ngữ lâu nay ở các trường phổ thông. Với cách thức thi này, cái được rõ ràng nhiều hơn là cái mất.
Lo ngại về chấm thi thiếu khách quan ở phần viết, ông Hạnh cho biết dù có thể mỗi giám khảo có quan điểm khác nhau nhưng quy trình chấm, barem điểm, đáp án chặt chẽ thì sự sai lệch cũng khó xảy ra và không thể làm ảnh hưởng tới kết quả chung của cả bài thi môn ngoại ngữ.

Tuệ Nguyễn – Theo Báo Thanh niên

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular