fbpx
Friday, April 19, 2024
HomeBộ đề luyện thi THPT Quốc giaMôn SửĐề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 - Đề...

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 – Đề số 3

Cập nhật đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 – Đề số 3, có đáp án và lời giải chi tiết, các em tham khảo dưới đây:

Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử

Câu I (3,0 điểm) 

Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng được thể hiện trong Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) như thế nào? Tại sao lại có sự thay đổi đó?

Câu II (2,0 điểm) 

Tại sao lại khẳng định từ chiến thắng Việt Bắc thu – đông 1947 đến chiến dịch Biên

giới thu – đông 1950 là một bước phát triển của cuộc kháng chiến?

Câu III (2,0 điểm) 

1. Nêu những thắng lợi chung của ba nước Việt Nam, Lào, Camphuchia trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mỹ (1969 – 1973)?

   2. Hãy nêu những chuyển biến chính của Chiến tranh thế giới thứ hai (từ 2-1943 đến 8-1945) và tác động của những chuyển biến đó đối với cách mạng Việt Nam trong thời gian nói trên.

Câu IV.(3,0 điểm)

Hãy nêu những sự kiện chứng tỏ xu thế hòa hoãn giữa hai siêu cường Liên Xô và Mĩ dẫn đến chấm dứt chiến tranh lạnh ?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016 – Đề số 3

Câu I (3,0 điểm) 

– Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đã triệu tập Hội nghị TW Đảng lần thứ 8 (từ 10 – 19/5/1941) tại Pác Bó – Cao Bằng.

– Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc.

– Tiếp tục tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng.

– Hội nghị xác định hình thái cuộc khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và kết luận : chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn hiện tại.

– Hội nghị chỉ rõ sẽ thành lập chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) và giúp đỡ việc thành lập mặt trận ở các nước Lào và Camphuchia, thay tên các hội phản đế thành hội cứu quốc.

– Hội nghị lần thứ 8 đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đã được đề ra từ Hội nghị tháng 11/1939, nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo thực hiện mục tiêu ấy.

* Nguyên nhân có sự thay đổi đó là :

–  Ngày 1/9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Nước Pháp tham chiến ngay từ đầu nhưng đến tháng 6/1940, Pháp đã đầu hàng Đức.

– Chính quyền mới của thực dân Pháp ở Đông Dương thực hiện một loạt chính sách vơ vét sức người, sức của của Đông Dương dốc vào cuộc chiến tranh.

–  Tháng 9/1940, Nhật vào miền Bắc Việt Nam. Pháp đầu hàng Nhật và cấu kết  với Nhật cùng thống trị bóc lột nhân dân ta. Chính sách vơ vét bóc lột của Pháp-Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội đều bị ảnh hưởng nặng nề. Mâu thuẫn dân tộc gay gắt hơn bao giờ hết.

– Những biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước đặt ra cho Đảng ta nhiệm vụ phải nắm bắt và đánh giá chính xác, kịp thời tình hình, đề ra đường lối đấu tranh phù hợp cho từng giai đoạn để tích cực chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

Câu II (2,0 điểm) 

   – Trước hết, chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947 là chiến dịch mà :

   + Địch chủ động tấn công lên Việt Bắc để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta nhằm giành thắng lợi quyết định về quân sự đi đến kết thúc nhanh chiến tranh. Còn ta chủ động phản công địch để “phá cuộc tấn công vào mùa đông của giặc Pháp lên Việt Bắc”.

   + Trong chiến dịch này ta thực hiện kiểu chiến tranh du kích ngắn ngày, bao vây cô lập và chặn đánh các cuộc hành quân của địch.

   + Qua chiến dịch Việt Bắc, ta đã đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.

– Tiếp đến, chiến dịch Biên giới thu – đông 1950, là chiến dịch :

   + Ta chủ động tấn công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, khai thông biên giới, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, tạo thuận lợi mới thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

   + Trong chiến dịch Biên giới, ta thực hiện cách đánh công kiên kết hợp với vận động vài ngày.

   + Qua chiến dịch Biên giới ta giành được quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ), địch bị đẩy vào thế bị động đối phó.

– Từ đó có thể khẳng định từ chiến dịch Việt Bắc (1947) đến chiến dịch Biên giới (1950) là một bước phát triển của cuộc kháng chiến.

Câu III (2,0 điểm) 

1. – Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là chống lại cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện được tăng cường và mở rộng ra toàn Đông Dương, vừa chiến đấu chống địch trên chiến trường, vừa đấu tranh với địch trên bàn đàm phán. Thắng lợi chung của ba nước Việt Nam, Lào, Camphuchia được thể hiện :

– Về quân sự :

   + Ngày 30.04 – 30.06.1970, quân dân Việt – Campuchia đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn Mỹ và quân Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến 17.000 địch, giải phóng 5 tỉnh đông bắc với 4,5 triệu dân.

   + Từ 12.02 đến 23.03. 1971, quân dân Việt – Lào đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ và quân Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến 22.000 địch, giữ vững hành lang chiến lược của cách mạng Đông Dương.

– Về chính trị và ngoại giao :

   + Ngày 6.6.1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, được 23 nước công nhận, 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.

   + Ngày 24 – 25.04.1970 : Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương quyết tâm đoàn kết chống Mỹ.

   +  Ở các nơi khác, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và sinh viên, học sinh nổ ra liên tục.

   + Quần chúng nổi dậy phá “Ấp chiến lược”, chống “bình định”. Đầu năm 1971, cách mạng làm chủ thêm 3600 ấp với 3 triệu dân.

   + Tháng 1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.

 2. Hãy nêu những chuyển biến chính của Chiến tranh thế giới thứ hai (từ 2-1943 đến 8-1945) và tác động của những chuyển biến đó đối với cách mạng Việt Nam trong thời gian nói trên.

a. Những chuyển biến chính của CTTG II (từ 2-1943 đến 8-1945)

– Từ đầu năm 1943, (sau chiến thắng Xtalingrat, 2-2-1943) cuộc chiến tranh thế giới chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho cách mạng nước ta. Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công quân Đức, sự thất bại của phe phát xít đã rõ ràng.

– Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô trên đường tiến đánh Béclin – sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức, một loạt nước châu Âu đã được giải phóng. Ở châu Á – Thái Bình Dương, quân Đồng minh giáng cho phát xít Nhật những đòn nặng nề.

– Đầu tháng 8-1945, quân Đồng minh tiến công mạnh mẽ vào các vị trí của quân đội Nhật ở châu Á – Thái Bình Dương. Để uy hiếp Nhật Bản, ngày 6 và 9-8-1945, Mĩ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagaxaki… ngày 9-8-1945, quân đội Liên Xô tổng công kích đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc… Hội đồng tối cao chiến tranh của Nhật Bản đã họp bàn về các điều kiện đầu hàng…

b. Tác động…

– Đứng trước những chuyển biến của chiến tranh thế giới ở đầu năm 1943, từ ngày 25 đến 28-2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La. Hội nghị đã vạch ra một kế hoạch cụ thể về công việc chuẩn bị toàn diện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Sau hội nghị này, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành gấp rút.

– Ở Đông Dương, sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, phát xít Nhật độc chiếm Đông Dương. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đề ra khẩu “Đánh đuổi phát xít Nhật”; xác định hình thức đấu tranh đi từ khởi nghĩa từng phần và sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa khi có điều kiện; quyết định phát động “cao trào kháng Nhật cứu nước” để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

– Ngay từ 13-8-1945, khi nhận được những thông tin về việc Nhật Bản sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ban bố “Quân lệnh số 1”, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngay sau đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng (14 và 15-8-1945) và Đại hội Quốc dân (16 và 17-8-1945) đã bàn về nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng… Trong thời gian từ 14 đến 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi trên cả nước.

Câu IV.(3,0 điểm)

Những sự kiện chứng tỏ xu thế hòa hoãn giữa hai siêu cường Liên Xô và Mĩ dẫn đến chấm dứt chiến tranh lạnh :

– 9/11/1972, hai nước Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức đã ký Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức. Theo đó, hai nên tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình.

– Ngày 26/5/1972, Liên Xô và Mỹ kí Hiệp ước về việc hạn chế hệ thống phòng chống tến lửa (ABM), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT – 1). Theo đó, thế cân bằng chiến lược quân sự đã hình thành giữa Liên Xô và Mỹ.

– 8/1975, 33 nước Châu Aâu cùng Mĩ và Canada đã kí Định ước Henxinki, khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia : bình đẳng, chủ quyền…Định ước này đánh dấu sự chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai khối TBCN và XHCN.

– Từ đầu những năm 70, hai siêu cường Xô – Mĩ đã tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao, giữa Gioocbachop và Rigan, Gioocbachop và G. Bush (cha). Nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế, khoa học – kĩ thuật đã được ký kết.

– Tháng 12/1989, tại cuộc gặp chính thức ở đảo Manta (Địa Trung Hải) giữa Gioocbachop và G. Bush đã chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh.

………………………………………………………………………………………………………….

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết tại đây:Download

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular