fbpx
Thursday, April 18, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănCách làm bài văn dạng đề so sánh hai đoạn thơ, bài...

Cách làm bài văn dạng đề so sánh hai đoạn thơ, bài thơ

Cách 1

a/ Cách làm bài:
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, bài thơ (đoạn thơ) thứ nhất.
– Giới thiệu tác giả, bài thơ (đoạn thơ) thứ hai.
Thân bài:
– Phân tích bài thơ, đoạn thơ thứ nhất theo định hướng những điểm tương đồng với bài thơ, đoạn thơ thứ hai.
– Phân tích bài thơ, đoạn thơ thứ hai theo định hướng những điểm tương đồng với bài thơ, đoạn thơ thứ nhất.
– So sánh:
+ Chỉ ra những điểm tương đồng của hai bài thơ, đoạn thơ. Tìm ra nguyên nhân và ý nghĩa.
+ Chỉ ra những điểm khác biệt của mỗi bài thơ, đoạn thơ. Từ đó khẳng định những nét độc đáo, giá trị riêng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
Kết bài:
– Đánh giá giá trị của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
– Những cảm nhận về phong cách sáng tác của mỗi nhà thơ.
b/ Lưu ý:
Đây là dạng đề hay được sử dụng ở các kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng những năm gần đây. Nhưng học sinh thường lúng túng trong cách làm bài, cách so sánh.
Ở phần thân bài phải đảm bảo hai bước: phân tích từng tác phẩm trước rồi so sánh sau. Nhưng để phân tích theo định hướng so sánh, học sinh phải tiến hành so sánh tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trước, rồi lấy kết quả đó định hướng cho việc phân tích từng tác phẩm. Không được làm tắt hai bước này vì sẽ dễ lẫn lộn, thiếu ý và mất điểm từng phần.
So sánh hai bài thơ, đoạn thơ tuyệt đối không phải để khẳng định tác phẩm nào hay hơn, mà để tìm ra nét hay tương đồng và độc đáo của mỗi tác phẩm. Sự tương đồng nói lên tính phong phú, phát triển của văn học. Điểm khác biệt tô đậm phong cách riêng của mỗi nhà thơ và xu hướng sáng tác…
Các bình diện để so sánh:
+ Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác.
+ Đề tài và nội dung tư tưởng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
+ Bút pháp nghệ thuật.
+ Giá trị, ý nghĩa và sức sống của mỗi bài thơ, đoạn thơ trong sự nghiệp sáng tác của mỗi nhà thơ.

Cách 2:
Phần Mở bài:
– Giới thiệu 2 tác giả, 2 bài thơ (2 đoạn thơ)
-Giới thiệu vấn đề nghị luận ( nếu có )

Phần Thân bài:
Lần lượt phân tích các đoạn thơ theo định hướng những điểm tương đồng với nhau, làm nổi bật vấn đề nghị luận.
So sánh hai đoạn thơ:
+ Chỉ ra những điểm tương đồng của hai bài thơ, đoạn thơ ( về nội dung và nghệ thuật )
+ Chỉ ra những điểm khác biệt của mỗi bài thơ, đoạn thơ( về nội dung và nghệ thuật ).

->>Tìm ra nguyên nhân ( lí giải sự khác biệt ) và ý nghĩa.

Từ đó khẳng định những nét độc đáo, giá trị riêng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
Phần Kết bài:
– Đánh giá giá trị của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
– Những cảm nhận về phong cách sáng tác của mỗi nhà thơ.
2. Một vài lưu ý:
– Ở phần thân bài phải đảm bảo hai bước: phân tích từng tác phẩm trước rồi so sánh sau.
– So sánh hai bài thơ, đoạn thơ tuyệt đối không phải để khẳng định tác phẩm nào hay hơn, mà để tìm ra nét hay tương đồng và độc đáo của mỗi tác phẩm. Sự tương đồng nói lên tính phong phú, phát triển của văn học. Điểm khác biệt tô đậm phong cách riêng của mỗi nhà thơ và xu hướng sáng tác…
– Các bình diện để so sánh:
+ Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác.
+ Đề tài và nội dung tư tưởng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
+ Bút pháp nghệ thuật.
+ Giá trị, ý nghĩa và sức sống của mỗi bài thơ, đoạn thơ trong sự nghiệp sáng tác của mỗi nhà thơ.

Đôi khi đề bài đưa sẵn những tiêu chí so sánh , ví dụ : Phân tích nét độc đáo của bức tranh phong cảnh trong hai đoạn thơ sau… Vậy thì trong bài viết, các em cần bám sát nét độc đáo của bức tranh phong cảnh. Đây chính là tiêu chí so sánh

Cách 3:

CẤU TRÚC (DÀN BÀI) CHUNG:
I. MỞ BÀI (chọn điểm chung của hai đoạn thơ để dẫn dắt vấn đề)
II. THÂN BÀI
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm (cả hai)
2. Cảm nhận hai đoạn thơ
2.1. Phân tích đoạn thơ thứ nhất
– Nội dung
– Nghệ thuật
(Có thể kết hợp nội dung + nghệ thuật)
2.2. Phân tích đoạn thơ thứ hai
– Nội dung
– Nghệ thuật
(Có thể kết hợp nội dung + nghệ thuật)
3. So sánh – đối chiếu
– Điểm giống nhau
– Điểm khác nhau
– Lí giải nguyên nhân
III. KẾT BÀI (Đánh giá chung)

Một số Bài tập về  dạng đề so sánh hai đoạn thơ, bài thơ

Bài tập số 1: Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nắng mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

( Nguyễn Bính, Tương tư )

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

( Tố Hữu, Việt Bắc )

Gợi ý đáp án:
1. MB:
– Giới thiệu về Nguyễn Bính và bài thơ Tương tư.
– Giới thiệu về Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc.

Thân bài:
2. TB:
* Phân tích đoạn thơ trong bài Tương tư.
– Tâm trạng tương tư của chàng trai quê được bộc lộ thành nỗi nhớ mong da diết, trĩu nặng…
– Niềm mong nhớ gắn liền với khung cảnh làng quê khiến cho cả không gian như nhuốm đầy nỗi tương tư.
– Nghệ thuật: Thể thơ lục bát, chất liệu ngôn từ chân quê, các biện pháp tu từ…
* Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc.
– Nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng cả những người cán bộ kháng chiến.
– Hiện lên trong nỗi nhớ là hình ảnh Việt Bắc thân thương…
– Nghệ thuật: thể thơ lục bát, hình ảnh gợi cảm, các phép đối…
* So sánh hai đoạn thơ.
– Tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng; sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện.
– Khác biệt:
+ Đoạn thơ trong Tương tư là nỗi nhớ tình yêu đôi lứa, gắn với làng quê Bắc Bộ…
+ Đoạn thơ trong Việt Bắc là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng, gắn với không gian núi rừng Việt Bắc…

  1. KB:đánh giá chung về nét đặc sắc của hai đoạn thơ

Biểu điểm từng phần :
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm (0,5)
– Nguyễn Bính là gương mặt nổi bật của phong trào Thơ mới và cũng tiêu biểu cho thơ ca sau Cách mạng, với hồn thơ chân quê, có sở trường về lục bát. Tương tư là bài thơ đặc sắc của ông, thể hiện tâm trạng nhớ mong chân thực và tinh tế của chàng trai quê.
– Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị. Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của ông, thể hiện tình cảm cách mạng sâu nặng đối với chiến khu và những kỉ niệm kháng chiến. (0,5)
2. Về đoạn thơ trong bài Tương tư (2,0)
– Nội dung (1,0 điểm)
+ Tâm trạng tương tư của chàng trai quê được bộc lộ thành những nhớ mong da diết, trĩu nặng. Nỗi niềm ấy được xem như một quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại, một thứ “tâm bệnh” khó chữa của người đang yêu.
+ Niềm mong nhớ gắn liền với khung cảnh làng quê khiến cho cả không gian như cũng nhuốm đầy nỗi tương tư.
– Nghệ thuật (1,0 điểm)
+ Thể thơ lục bát thấm đượm phong vị ca dao.
+ Chất liệu ngôn từ chân quê với những địa danh, thành ngữ gần gũi; cách tổ chức lời thơ độc đáo; sử dụng nhuần nhuyễn nhiều biện pháp tu từ: hoán dụ, nhân hoá, đối sánh, tăng tiến, hoa trương..
3. Về đoạn thơ trong bài Việt Bắc (2,0 điểm)
– Nội dung (1,0 điểm)
+ Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hoà tình nghĩa riêng chung.
+ Hiện lên trong nỗi nhớ ấy là hình ảnh Việt Bắc thân thương, với cảnh vật bình dị mà thơ mộng, với nhịp sống đơn sơ mà êm đềm, đầm ấm.
– Nghệ thuật (1,0 điểm)
+ Thể thơ lục bát kết hợp nhuần nhuyễn chất cổ điển và chất dân gian, nhịp điệu linh hoạt uyển chuyển, âm hưởng tha thiết, ngọt ngào.
+ Hình ảnh thơ giản dị mà gợi cảm; cách ví von quen thuộc mà vẫn độc đáo; cách tổ chức lời thơ với phép tiểu đối, phép điệp cân xứng, khéo léo…
4. Về sự tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ (0,5 điểm)
– Tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng; sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện.
– Khác biệt: Đoạn thơ trong bài Tương tư là nỗi nhớ của tình yêu lứa đôi, gắn với không gian làng quê Bắc Bộ, vừa bày tỏ vừa “lí sự” về tương tư, với cách đối sánh táo bạo…; đoạn thơ
trong bài Việt Bắc là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng, gắn với không gian núi rừng Việt Bắc, nghiêng hẳn về bộc bạch tâm tình, với cách ví von duyên dáng…
5. KB:

Bài tập 2:

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !

(Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11 ).

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

đề đọc hiểu về tương tư Nguyễn Bính

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12)

Định hướng cách làm bài

Mở bài :

Vài nét về tác giả, tác phẩm
– Xuân Diệu được đánh giá là Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Vội vàng
(in trong tập Thơ Thơ- 1938) là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng.
– Xuân Quỳnh là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Sóng (in trong tập Hoa dọc chiến hào – 1968) là tác phẩm thể hiện những tâm tình của người phụ nữ làm thơ về đề tài tình yêu.
Thân bài :
1. Cảm nhận hai đoạn thơ
a. Đoạn thơ trong bài Vội vàng
– Đoạn thơ thể hiện niềm yêu đời, khát vọng sống nồng nàn, mãnh liệt của Xuân Diệu. Ý thức được sự hữu hạn của đời người, tuổi xuân và thời gian trôi đi vĩnh viễn không trở lại nên nhà thơ đã vội vàng, cuống quýt để tận hưởng cuộc sống trần gian với tất cả những gì đẹp nhất (sự sống mơn mởn, mây đưa và gió lượn,cánh bướm với tình yêu, …), ở mức độ cao nhất (ôm, riết, say, thâu, cắn), với trạng thái đã đầy, no nê, chếnh choáng.
– Các yếu tố nghệ thuật như: điệp từ ngữ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh, nhân hóa, nhịp điệu sôi nổi, cuồng nhiệt… tất cả góp phần thể hiện cảm xúc nồng nàn, khát vọng sống mãnh liệt của Xuân Diệu.
b. Đoạn thơ trong bài Sóng
– Đoạn thơ thể hiện khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu, được gắn bó mãi mãi với cuộc sống, hòa nhập với cuộc đời vĩnh hằng bằng tình yêu chân thành,mãnh liệt. Những con sóng tan ra không phải để biến mất giữa đại dương mà để hóa thân, để tồn tại vĩnh viễn trong những con sóng khác. Con người sẽ ra đi nhưng tình yêu vẫn còn ở lại giữa tình yêu cuộc đời. Đó cũng là cách để tình yêu trở nên bất tử.
– Thể thơ ngũ ngôn hiện đại, hình tượng sóng được sử dụng linh hoạt, sáng tạo để thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình.

  1. Sự tương đồng và khác biệt
    – Điểm tương đồng: Hai đoạn thơ đều bộc lộ thái độ sống tích cực của hai thi sĩ trước cuộc đời: đó là tình yêu và khát vọng sống mãnh liệt. Đây là hai đoạn thơ có sự kết hợp giữa cảm xúc – triết lí.
    – Điểm khác biệt:
    + Sử dụng thể thơ tự do, vận dụng tối đa hiệu quả của các biện pháp nghệ thuật(điệp từ, điệp ngữ, liệt kê, nhân hóa…); đoạn thơ của Xuân Diệu diễn tả cảm xúc sôi nổi, mãnh liệt của cái tôi cá nhân muốn khẳng định mình trước cuộc đời.
    + Bằng giọng điệu thủ thỉ, tâm tình đầy nữ tính, thể thơ ngũ ngôn hiện đại, hình ảnh ẩn dụ; Xuân Quỳnh thể hiện khát vọng được tan hòa cái tôi vào cái ta chung của cuộc đời để tình yêu trở thành bất tử.Bài tập số 3:
    Cảm nhận của anh (chị) về hai đoạn thơ sau:
    “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
    Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
    (Tây Tiến – Quang Dũng)
    “Nhớ gì như nhớ người yêu
    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
    Nhớ từng bản khói cùng sương
    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
    (Việt Bắc – TốHữu)
    HƯỚNG DẪN
    I. MỞ BÀI:
    Trong cuộc đời ai cũng có ít nhất một niềm thương nỗi nhớ. Có lẽ vì thế mà nỗi nhớ đã trở thành đề tài quen thuộc được các nhà văn, nhà thơ ưu ái nói đến. Nếu như trong “Tây Tiến”, Quang Dũng nhớ da diết thiên nhiên và con người miền Tây thì đến với “Việt Bắc”, nhà thơ không chỉ nhớ về con người và thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, nhớ về những ngày tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng mà hơn thế nữa là những dấu ấn tươi nguyên về những ngày chiến thắng. Trong rất nhiều nỗi nhớ đó nổi bật lên là những kí ức của Quang Dũng và Tố Hữu về những vùng đất, những địa danh đã làm nên lịch sử. Và điều đó được thể hiện rõ nhất qua hai đoạn thơ sau:
    “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
    Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
    Và:
    “Nhớ gì như nhớ người yêu
    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
    Nhớ từng bản khói cùng sương
    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
    II. THÂN BÀI:
    1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
    – Quang Dũng là một người nghệ sĩ tài hoa, vẽ đẹp, hát giỏi, thơ hay. Ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo “Chiến đấu”. Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khóa học, ông đảm nhận chức vụ Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.
    Quang Dũng viết rất nhiều truyện ngắn và sáng tác kịch, tham gia nhiều triển lãm tranh sơn dầu cùng với nhiều họa sĩ nổi danh…nhưng thành công nhất vẫn là thơ ca. Các tập thơ tiêu biểu của Quang Dũng được bạn đọc biết đến nhiều như “Mây đầu ô”, “Mùa hoa gạo”…Nhưng tên tuổi của Quang Dũng có lẽ đã gắn liền với bài thơ “Tây Tiến”. Bài thơ được viết vào năm 1948, khi ông tham dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh. “Tây Tiến” là một bài thơ mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn, hào hoa.
    – Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị. “Việt Bắc” là bài thơ tiêu biểu nhất của ông, thể hiện tình cảm cách mạng sâu nặng của nhân dân với cách mạng, của người cán bộ về xuôi với người ở lại và những kỉ niệm kháng chiến gian khổ mà hào hùng.
    2. Cảm nhận hai đoạn thơ:
    2.1. Phân tích đoạn thơ: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!….. Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
    – 2 câu thơ đầu: gọi tên cho cảm xúc chủ đạo của toàn bộ thi phẩm. Đó là nỗi nhớ và những hoài niệm.
    + Câu thơ thứ nhất với nhịp 2/2/3, vừa như đứt quãng, vừa như liền mạch. Khi Quang Dũng nhớ về sông Mã thì ngay lập tức lại thấy nó xa rồi nên “Tây Tiến ơi” vừa như một lời gọi thiết tha, lưu luyến vừa như một cảm xúc dâng trào và nỗi nhớ đã nổi hình, nổi khối. Vì sao khi nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng lại gọi tên sông Mã? Vì dọc con đường hành quân của họ, dòng sông Mã như một địa danh đồng hành, từng chứng kiến bao kỉ niệm, đau thương, mất mát.
    + Câu thơ thứ hai, tác giả nói rõ hơn về nỗi nhớ của mình, nỗi nhớ rừng núi và mang cảm xúc chơi vơi. Vì địa bàn hoạt động của người chiến binh chủ yếu là núi rừng hiểm trở nên hình ảnh núi, rừng đã ăn sâu vào tâm khảm những người chiến binh cho dù đã xa Tây Tiến. Còn nỗi “nhớ chơi vơi”, đó là trạng thái cảm xúc mông lung, không định hình rõ rệt. Nhất là hai chữ “chơi vơi” ấy phối hợp với chữ “rồi”, “chữ “ơi” ở câu trên tạo nên một thứ hòa âm của nỗi niềm thao thức, nó cứ lan tỏa mênh mông. Những tình cảm này cũng từng được cha ông ta nói đến trong ca dao như là nỗi nhớ chơi vơi, sự bâng khuâng, xao xuyến: “Ra về nhớ bạn chơi vơi”.
    + Cả hai câu thơ cùng kết lại trong vần “ơi”, “chơi vơi”. Nó vẽ lên điều gì đó như xa xôi, như mất mát. Cảm xúc của tác giả như hụt hẫng, chới với vì Tây Tiến lúc này chỉ là quá khứ. Từ nỗi nhớ và tiếng vẫy gọi của tác giả làm cho Tây Tiến như một sinh thể có hồn, đang chuyển tải cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng.
    – 2 câu thơ tiếp theo:
    + Sài Khao, Mường Lát là những địa danh rất quen thuộc của Tây Bắc góp phần gợi nỗi nhớ chơi vơi. Hình ảnh Tây Bắc hiện lên trong câu thơ mịt mù và cả mệt mỏi, gian khó của đoàn quân như lẫn vào sương. Bên cạnh cái gian khổ lại pha một chút rất thơ, có vẻ như huyền hoặc mà có thật:
    “Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
    + Câu thơ rất độc đáo, “hoa về” chứ không phải là hoa nở, “đêm hơi” chứ không phải là đêm sương. Vì nhìn từ xa, đoàn quân Tây Tiến hành quân về Mường Lát mang theo những ngọn đuốc giống như một dòng sông hoa lung linh, ẩn hiện trong đêm sương mờ ảo. Đọc đến đây, cái “mỏi” của đoàn quân dường như tan biến. Quang Dũng thật tài tình khi viết một câu thơ hầu hết là thanh bằng, lâng lâng, chơi vơi như sương, như hoa, như hồn người. Bên cạnh cái khắc nghiệt của núi rừng, nguy hiểm của chiến tranh là những giây phút người lính thả hồn đầy lãng mạn. Đó cũng là chất thơ toát lên từ hiện thực cuộc chiến, rất đặc trưng cho hồn thơ tài hoa của Quang Dũng.
    2.2. Phân tích đoạn thơ: “Nhớ gì như nhớ người yêu….. Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
    – Nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hòa tình nghĩa riêng chung.
    – Đoạn thơ là nỗi nhớ người, nhớ cảnh Việt Bắc – mảnh đất gắn bó máu thịt với người cách mạng. Không phải thể hiện một cách chi tiết nỗi nhớ, Tố Hữu sử dụng hình ảnh so sánh hết sức độc đáo “nhớ gì như nhớ người yêu”. Nhà thơ đã lấy nỗi nhớ trong tình yêu làm thước đo giá trị để cắt nghĩa, lí giải cho tình cảm cán bộ đối với nhân dân. Vì thế, đó không phải là nỗi nhớ của ý thức, của nghĩa vụ mà là nỗi nhớ của hai trái tim yêu, của tình cảm chân thành.
    – Câu thơ “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” thể hiện hai nửa thời gian của nỗi nhớ: vế đầu là thời gian đêm trăng, vế sau là thời gian buổi chiều lao động. Thời gian như chảy ngược, nỗi nhớ đi từ gần tới xa. Để rồi tình yêu như chuyển thành nỗi nhớ trong tình cảm gia đình. Toàn không gian núi rừng Việt Bắc được gói gọn trong không khí gia đình ấm áp tình thương:
    “Nhớ từng bản khói cùng sương
    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
    Hiện lên trong nỗi nhớ là một Việt Bắc thân thương, đẹp bình dị mà thơ mộng với nhịp sống êm đềm. Hình ảnh “bếp lửa” là một hình ảnh nhiều sức gợi. Nó cho thấy con người Việt Bắc ấm áp, giàu yêu thương đồng thời thể hiện tình cảm chứa chan, nồng nàn mà người cán bộ cách mạng dành cho con người nơi đây mỗi khi nhớ về. Tình cảm quân dân kết tinh trong ngọn lửa thiêng liêng bất diệt ấy.
    3. So sánh – đối chiếu:
    – Điểm giống nhau:
    + Đều thể hiện nỗi nhớ gắn với một vùng đất cụ thể.Nếu như nỗi “nhớ chơi vơi” của Quang Dũng gắn với địa danh Tây Tiến thì nỗi “nhớ người yêu” của Tố Hữu gắn chặt với không gian Việt Bắc.
    + Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, đầy ý nghĩa.
    – Điểm khác nhau:
    + “Tây Tiến”: sử dụng một loạt các tên địa danh để cụ thể hóa nỗi nhớ, sử dụng khéo léo bút pháp lãng mạn khi viết về hiện thực. Thể thơ 7 chữ điêu luyện.
    + “Việt Bắc”: nêu rất nhiều không gian (đầu núi, lưng nương, bản, bếp lửa), thời gian khác nhau (trăng lên đầu núi, nắng chiều, sớm khuya), thể thơ lục bát làm cho nỗi nhớ đậm chất dân gian.
    – Nguyên nhân của sự khác biệt:
    + Lí giải từ hoàn cảnh sáng tác và phong cách nghệ thuật của từng nhà thơ.
    III. KẾT BÀI:
    – Hai đoạn thơ đều diễn tả những nỗi nhớ rất sâu đậm về một địa danh cụ thể gắn với một vùng đất chan chứa kỉ niệm. Dù là nỗi nhớ chơi vơi hay nỗi nhớ người yêu thì chúng ta đều nhận thấy mức độ sâu nặng trong tình cảm nhớ thương của hai nhà thơ. Họ không chỉ nhớ về một nơi cụ thể mà đó còn là nơi cất giấu những kỉ niệm, những ân tình kháng chiến, những gian khổ đã từng trải qua và hơn thế nữa còn là tình cảm quân dân gắn bó. Từ đó, có thể coi “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu là hai bài thơ trữ tình đặc sắc trong nền thi ca cách mạng. Thông qua cách thể hiện nỗi nhớ rất riêng biệt của từng nhà thơ, chúng ta thấy được cá tính sáng tạo đặc biệt của họ và điều đó tạo nên dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc.
    Bài tập số 4:
    Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
    Làm sao được tan ra
    Thành trăm con sóng nhỏ
    Giữa biển lớn tình yêu
    Để ngàn năm còn vỗ
    (Sóng – Xuân Quỳnh)
    Tôi muốn tắt nắng đi
    Cho màu đừng nhạt mất,
    Tôi muốn buộc gió lại
    Cho hương đừng bay đi
    (Vội vàng – Xuân Diệu)
    HƯỚNG DẪN
    I. MỞ BÀI:
    II. THÂN BÀI
    1. Tác giả, tác phẩm.
    – Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết với khát vọng hạnh phúc đời thường. “Sóng” là bài thơ tình yêu đặc sắc của Xuân Quỳnh, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”.
    – Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới” (Hoài Thanh). Ông được giới trẻ tấn phong là “Ông hoàng của thi ca tình yêu”. Ông mang đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Vội vàng được trích trong tập Thơ Thơ là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu trước cách mạng.
    2 . Cảm nhận.
    2.1 . Đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy khao khát.
    – Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là “Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt ” (Christopher Hoare). “Tan ra” không phải là tan biến đi mà là để còn mãi.
    – Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ . Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu.
    -Trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh ta thấy được một tư tưởng nhân văn : ” yêu và sự hiến dâng” , chữ ” hiến dâng” không được hiểu theo nghĩa thông tục . Tình yêu của cá nhân không tách rời cộng đồng.
    – Đặt bài thơ trong hoàn cảnh năm 1968 khi đất nước đang có chiến tranh ta càng hiểu một cách thấm thía và sâu sắc về tình yêu và những khát vọng của những con người trong thời đại ấy.
    * Nghệ thuật : bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu , âm hưởng của những con sóng biển; sử dụng phép nhân hóa, so sánh .
    2.2 . Đoạn thơ trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng.
    – Khát vọng của Xuân Diệu là khát vọng tắt nắng và buộc gió. “Tắt nắng ” để màu hoa không tàn, “Buộc gió” để hương đừng bay đi.
    – Nắng và gió, hương và hoa ở đây chính là mùa xuân của đất trời với bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ. Đó là ” hoa đồng nội xanh rì”, “là cành tơ phơ phất “, là” khúc tình si của yến anh “, là ” mây đưa gió lượn ” ….mùa xuân ấy thật thanh tân diễm lệ đầy quyến rũ như bờ môi thiếu nữ “tháng giêng ngon như một cặp môi gần” .
    – “Hương” với “màu” ở đây là những ẩn dụ để nói đến tuổi trẻ của đời người. Xuân Diệu là người luôn lo sợ về thời gian , về tuổi tác vì theo nhà thơ : “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian/ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”
    – Cho nên Xuân Diệu khát vọng chiếm lấy quyền năng của tạo hóa để vũ trụ ngừng quay, thời gian ngừng trôi , để thi nhân tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.
    * Nghệ thuật : thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, sử dụng động từ mạnh ” tắt, buộc”.
    3 . So sánh.
    – Giống nhau : đều sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu , đều thể hiện được khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng về tình yêu với cuộc đời.
    – Khác nhau : khát vọng trong Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi , là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Còn trong Vội Vàng thì thể hiện một qun niệm sống : sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn.
    4. Đánh giá chung
    – Cả hai đoạn thơ đều bộc lộ cái tôi cá nhân trước cuộc sống và tình yêu.
    III. KẾT BÀI
    ——Thầy PHAN DANH HIẾU—-
    Bài tập số 5:
    Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:
    “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu, anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
    (Tây Tiến – Quang Dũng)
    “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
    Phải biết gắn bó và san sẻ
    Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
    Làm nên Đất Nước muôn đời”
    (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
    DÀN Ý
    I/ Mở bài:
    II/ Thân bài:
    1. Tác giả, tác phẩm:
    2. Cảm nhận về hai đoạn thơ:
    2.1/ Đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” là sự hi sinh anh dũng của người lính:
    “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu, anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
    – Bốn câu thơ viết về cái chết của người lính Tây Tiến nhưng không gợi sự đau thương. Tác giả đã sử dụng hệ thống từ Hán Việt: “biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành” nhằm lột tả không khí trang nghiêm, cổ kính. Cái chết của người lính Tây Tiến được miêu tả thật linh thiêng.
    – Câu thơ “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” như một lời thề danh dự. Nó cho thấy lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người thanh niên trẻ. Thật rằng, họ cũng có những tiếc nuối nhưng trên hết là vì lý tưởng:
    “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
    ( Tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”
    (Thanh Thảo)
    – Hai câu thơ sau viết về sự ra đi vĩnh viễn của người lính Tây Tiến. Họ nằm lại dưới vùng đất lạ trong không khí hào hùng mà thiên nhiên dành để tiễn biệt họ. “ Về đất” vừa là cách nói giảm nói tránh để bớt đau thương vừa là cách nói kỳ vĩ hóa cái chết của anh bộ đội cụ Hồ.
    – Đoạn thơ kết thúc bằng một âm hưởng hào hùng. Dường như linh hồn người tử sĩ đã hòa cùng sông núi, con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc đau thương, hùng tráng để tiễn đưa người lính vào cõi bất tử. Hình tượng “sông Mã” ở cuối bài thơ được phóng đại và nhân hóa, tô đậm cái chết bi hùng của người lính_ sự hi sinh làm lay động đất trời, khiến dòng sông gầm lên đớn đau, thương tiếc.
    * Nghệ thuật:
    – Bằng bút pháp lãng mạn và âm hưởng bi tráng, đoạn thơ ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
    2.2/ Đoạn thơ trong bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là lời nhắn nhủ của nhà thơ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với non sông đất nước:
    “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
    Phải biết gắn bó và san sẻ
    Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
    Làm nên Đất Nước muôn đời”
    – Đoạn thơ có giọng điệu tâm tình sâu lắng, thiết tha. Tác giả tạo ra cuộc trò chuyện thân mật giữa nhân vật trữ tình “anh” với “em”. Giọng điệu ấy đã làm mềm hóa nặng nề, khô khan của chất chính luận.
    – Nguyễn Khoa Điềm đã khám phá một định luật rất mới “Đất Nước là máu xương của mình”. Đối với mỗi con người, máu xương là yếu tố cần thiết cho sự sống. Hình ảnh so sánh độc đáo ấy có hàm ý khẳng định: Đất nước là sự sống thiêng liêng đối với mỗi con người:
    “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
    Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
    Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
    Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”
    (Chế Lan Viên)
    Ngoài ra, hình ảnh “máu xương” còn gợi lên trong lòng người đọc lịch sử đất nước với biết bao con người anh hùng đã hi sinh đời mình cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc:
    “Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
    Có những ngày trốn học bị đòn roi
    Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
    Có một phần xương thịt của em tôi.”
    (Giang Nam)
    Nguyễn Khoa Điềm nhắc nhở mỗi người chúng ta phải biết trân trọng đất nước hôm nay.
    – Từ việc xác định vai trò quan trọng của đất nước đối với mỗi con người, nhà thơ khơi gợi ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, nhất là thế hệ trẻ. Phép điệp ngữ “phải biết” vừa có ý nghĩa cầu khiến vừa là lời thiết tha, mong chờ như mệnh lệnh từ trái tim. Ba cụm động từ cụ thể hóa trách nhiệm của mỗi con người: “Gắn bó” là lời kêu gọi đoàn kết, hữu ái giai cấp. Vì, có đoàn kết là có sức mạnh. “San sẻ” là mong muốn mỗi người có ý thức gánh vác trách nhiệm với quê hương. Còn “hóa thân” là biểu hiện tinh thần sẵn sàng hi sinh cho đất nước, là sự dâng hiến thiêng liêng, đẹp đẽ. Tinh thần này đã từng bắt gặp trong bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi:
    “Người ra đi đầu không ngoảnh lại
    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
    Hay:
    “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
    Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
    Chị thà coi như là hạt bụi,
    Em thà coi như hơi rượu say.”
    (Tống Biệt Hành – Thâm Tâm)
    Một khi ra đi chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng, người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ quên hết tình riêng một lòng hướng về nhân dân và đất nước.
    * Nghệ thuật:
    – Đoạn thơ mang tính chính luận nhưng được diễn đạt bằng hình thức đối thoại, giọng điệu trữ tình kết hợp với biện pháp tu từ điệp ngữ. Từ “Đất Nước” dược lặp lại hai lần kết hợp cách viết hoa đã tăng thêm sự tôn kính thiêng liêng, thể hiện quan niệm lớn: “Đất Nước của nhân dân”.
    3. So sánh:
    * Giống nhau:
    Tư tưởng của cả hai đoạn thơ đều là tư tưởng cao đẹp: cống hiến, dâng hiến tuổi trẻ mình cho đất nước non sông.
    * Khác nhau:
    – “Tây Tiến” với cảm hứng đất nước được gợi lên từ nỗi nhớ cũa người lính vùng cao về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Đất Nước” hoàn thành trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ tại mặt trận Trị Thiên bộc lộ cảm hứng đất nước qua cái nhìn tổng quát đưa đến những chiêm nghiệm mới mẻ, sâu sắc về đất nước: Đất nước là tất cả những gì gắn bó máu thịt với mỗi con người.
    – “Tây Tiến” được biểu đạt bằng giọng thơ bi tráng và bút pháp lãng mạn. “Đất Nước” được thể hiện bằng giọng thơ trữ tình chính luận sâu lắng.
    – “Tây Tiến” được viết theo thể thơ bảy chữ. “Đất Nước” là đoạn trích trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” dược thể hiện bằng thể thơ tự do.
    III/ Kết bài:
    Bài của bạn Nguyễn Thanh Nhi (THPT Lương Thế Vinh, Biên Hoà, Đồng Nai)
    *Lưu ý khi làm bài văn dạng đề so sánh hai đoạn thơ, bài thơ
    – Trên đây là cách làm bài theo cấu trúc dễ nhất cho mọi HS đều có thể áp dụng. Các em Khá giỏi có thể làm theo cách khác là nêu luận điểm giống và khác nhau và chứng minh theo kiểu tổng hợp.
    – Từ những dàn ý trên, các em tiến hành viết thành bài văn hoàn chỉnh.
    – Bước cuối cùng là kiểm tra lại bài văn (đọc và sửa chữa lỗi sai).
    – Bài văn có sự sáng tạo được cộng thêm 0, 5 điểm: có nhiều cách diễn đạt hay,và độc đáo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức.

 

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular