fbpx
Thursday, March 28, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănBình giảng đoạn thơ trong bài "Bên kia sông Đuống" (Hoàng Cầm)...

Bình giảng đoạn thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm) – Bài 1

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm:

“Em ơi buồn làm chi

(…)

Sao xót xa như rụng bàn tay”.

Bài làm

“Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”.

(Đỗ Trung Quân)

Kì lạ thay hai tiếng quê hương! Là một ngọn núi, một cánh đồng, một mái trường, một dòng sông… đó là quê hương ta, mang nặng trong lòng ta. Quên sao được dòng sông tuổi thơ? Sông mang nước ngọt, sông chở nặng phù sa, sông cho ta nhiều tôm cá… Và dòng sông quê hương còn mang bao kỉ niệm của hồn ta trôi về năm tháng, đi tới mọi chân trời xa xôi…

“Sông ơi! Thương nhớ một đời!

Sông ơi! Một trời mơ ước!”

Mỗi lần đọc bài “Bên kia sông Đuống”của thi sĩ Hoàng Cầm, tôi lại nao nao, lại xao xuyến bồi hồi. Một miền quê yêu thương, một thế giới Kinh Bắc, một dòng sông êm đềm lại hiện về, thấp thoáng. Nửa thế kỉ đã trôi qua mà vần thơ “Ai về bên kia sông Đuống” vẫn mải miết trôi, vẫn lao xao vỗ sóng trong lòng tôi…

“Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Đứng bên này sông sao nhớ tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay…”.

Đây là đoạn thơ mở đầu bài “Bên kia sông Đuống”, một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến viết về cảm hứng quê hương đất nước. Nỗi buồn, nỗi nhớ tiếc, xót xa của đứa con li hương bao trùm cả đoạn thơ.

Mở đầu là hai tiếng “Em ơi” vang lên bồi hồi xao xuyến. Vừa nhắn gọi, vừa an ủi vỗ về. Buồn làm chi hoài, buồn làm chi mãi, em hãy cùng anh trở về dòng sông Đuống thân thương “ngày xưa”:

“Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì”.

Hai tiếng “em ơi” này phải chăng được khơi gợi từ những câu ca Quan họ: “Người ơi người ở đừng về…” như có người đã cảm nhận? Em là cô gái Kinh Bắc từng “để thương, để nhớ, để sầu cho ai”, một lần nữa xuất hiện với dáng vẻ xinh tươi, yêu kiều trong ngày hội non sông mà nhà thơ mong ước:

“Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Câu thơ “Ngày xưa cát trắng phẳng lì” là một nét đẹp về dòng sông ấu thơ trong hoài niệm. Bờ sông thoai thoải, cát trắng mịn màng, từng in dấu chân nhỏ thon trần một thời cắp sách.

Đứa con li hương bồi hồi thương nhớ. Nhớ cồn cào dòng sông:

“Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”.

Hai tiếng “trôi đi” gợi tả nước sông êm đềm lững lờ trôi xuôi với thời gian năm tháng, và đang “trôi” trong lòng người, mang theo bao kỉ niệm đẹp “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên…”. Nước sông trong xanh, gương sông trong suốt phẳng lặng. Từ láy chỉ màu sắc “lấp lánh” là một nét vẽ có hồn về sông Đuống yêu thương. Gương sông “lấp lánh” phản chiếu ánh hồng bình minh, phản chiếu bóng tà dương, ánh trăng sao những đêm thu đẹp. Đã có sông Cầu nước chảy lơ thơ. Có sông Thương bên lở bên bồi, dòng trong dòng đục mang theo bao nỗi niềm xưa nay: “Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi”… Và còn có “Sông Đuống trôi đi – Một dòng lấp lánh” đã trở thành một mảng tâm hồn của nhà thơ Hoàng Cầm.

Con sông làng ta quanh co uốn lượn như con rồng trong ca dao đã để nhiều thương nhớ cho ta:

“Làng ta phong cảnh hữu tình

Dân cư giang khúc như hình con long”.

Con sông Đáy mộng mơ trong thơ Cao Bá Quát: “Sông tựa dài là cô gái đẹp…”. Con sông Hương của Huế đẹp và thơ:

“Hương Giang ơi, dòng sông êm

Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình”.

(“Bài ca quê hương” – Tố Hữu)

Với Hoàng Cầm thì sông Đuống yêu thương lại có một dáng hình rất kì diệu và nên thơ: “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”. Dòng sông như một sinh thể mang nặng tình quê và lòng người. Quê hương đang bị cắt chia, bên này là vùng tự do, bên kia là quê mẹ đang bị quân thù chiếm đóng và giày xéo, nên dòng sông mới “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” như vậy?

Miền quê thương nhớ cũng là không gian nghệ thuật được mở rộng và trải dài theo hai bờ sông. Bức tranh quê tắm mát tâm hồn ta một màu xanh bạt ngàn. Có “màu “xanh xanh” của bãi mía, bờ dâu. Có màu “biêng biếc” của ngô khoai. Hồn quê tình quê đã hội tụ qua màu xanh ấy. Nó gợi lên một vẻ đẹp trù phú của quê hương, với những cánh đồng phì nhiêu tươi tốt, với những con người cần mẫn làm ăn quanh năm. Màu sắc trong thơ Hoàng Cầm được phối sắc một cách tài hoa, tuy “đơn sơ mà lộng lẫy” đầy ấn tượng. Màu xanh của ấm no, thanh bình:

“Xanh xanh bãi mía bờ dâu,

Ngô khoai biêng biếc”.

Quê hương giàu đẹp và thanh bình nay còn đâu nữa? Dòng sông, cánh đồng, xóm làng đang bị quân Pháp đốt phá tan hoang, “ngùn ngụt lửa hung tàn” … Từ hoài niệm thơ mộng “ngày xưa”, Hoàng Cầm đau đớn, nghẹn ngào thốt lên, vừa “nhớ tiếc”, vừa “xót xa”:

“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay”.

Đứa con li hương đang đêm ngày đăm đăm nhìn về quê mẹ mà “ruột đau chín chiều”. “Đứng bên này sông” là tả ngạn sông Đuống, vùng tự do; bên kia là hữu ngạn, là huyện Thuận Thành, quê mẹ yêu thương đang bị quân thù chiếm đóng và giày xéo. Hai câu thơ tu từ liên tiếp: “Sao nhớ tiếc…”, “sao xót xa…” đã cực tả nỗi đau tê tái quặn lòng. Âm điệu vần thơ như những tiếng nấc đau đớn . “Nhớ tiếc” một dòng sông thơ ấu với “cát trắng phẳng lì” với “một dòng sông lấp lánh”,… “Xót xa” một miền quê giàu đẹp với màu “xanh xanh”, “biêng biếc” của mía, dâu khoai… nay đã trở thành điêu tàn, tang tóc! Câu thơ “Sao xót xa như rụng bàn tay” là một so sánh độc đáo, đã cụ thể hóa nỗi xót xa như chết đi một phần cơ thể. Sông Đuống và quê mẹ thân yêu đã trở thành một mảnh tâm hồn của đứa con xa nhà đi kháng chiến mới có nỗi “nhớ tiếc” và “xót xa” như thế! Tình cảm mãnh liệt ấy được thể hiện một cách xúc động, chân thành, đạt tới đỉnh điểm điển hình của bi kịch li hương trong chiến tranh.

Thơ là tiếng lòng đồng vọng trong lòng người và thời gian năm tháng. Đoạn thơ 10 câu trên đây là phần tiền tấu bài ca quê hương, là khúc tâm tình, là tiếng lòng của thi sĩ Hoàng Cầm. Mở đầu đoạn thơ là nỗi buồn, khép lại đoạn thơ là sự nhớ tiếc, nỗi xót xa. Cảm xúc trữ tình ấy trở thành nguồn mạch của mọi giai điệu tâm tình của bao thương nhớ, đau buồn, căm giận, tự hào tin tưởng được gửi gắm và trang trải xuyên suốt bài thơ “Bên kia sông Đuống”.

Cấu trúc câu thơ, đoạn thơ biến hóa, đa thanh, phức điệu. Cảm xúc dồn nén. Hình tượng hội tụ lung linh đem đến nhiều liên tưởng tâm tình đầy xúc động. Câu thơ dài, ngắn phối hợp, các thanh trắc, thanh bằng đã hô ứng, hòa quyện tạo nên nhạc điệu réo rắt, thiết tha: “Em ơi buồn làm chi… sông Đuống… một dòng lấp lánh… nghiêng nghiêng… xanh xanh… biêng biếc… nhớ tiếc… xót xa….”. Câu chữ, vần thơ như được đứa con Kinh Bắc thổi hồn vào, cứ quyện lấy lòng ta như đang được lắng nghe một làn điệu dân ca Quan họ sau bờ dâu bãi mía bên dòng sông Đuống mênh mang buổi xuân về.

Tâm trạng buồn thương, đau đớn của Hoàng Cầm được thể hiện trong đoạn thơ cũng là nỗi lòng của mỗi con người Việt Nam đối với quê hương trong những năm dài xa nhà đi kháng chiến. Tình yêu quê hương, nỗi đau li hương vẫn là một trong những tình cảm đẹp nhất, sâu nặng nhất của con người Việt Nam xưa và nay:

“Quê hương nghĩa nặng tình sâu,

Bể dâu biến đổi biết đâu là nhà”.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular